Chính vì vậy mà nhà thơ cảm thấy cô đơn, buồn sầu khi thu tới:
“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò…”
Cảm giác cô đơn không khơi gợi từ mọi vật, vầng trăng được miêu tả trong câu thơ độc đáo và tinh nghịch: Trong một phút thả lòng, bâng khuâng, ngẩn ngơ khó nói thì bị thi nhân tinh quái bắt quả tang. Giữa thiên nhiên và con người như có sự hòa đồng, giao cảm nên con người mới có thể hiểu được giây phút tự “ngẩn ngơ” của thiên nhiên. Hình ảnh non xa sương mờ thấp thoáng, nhạt nhòa gợi không khí sương khói bảng lảng, mơ hồ thật đẹp nhưng vẫn thoáng buồn.
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió…”
Có gió thì mới rét và rét thì mới gió, nhưng ở dây, Xuân Diệu đã tách gió và rét ra làm hai, cái rét luồn, ẩn trong gió, chưa thực sự hiện diện, chưa lộ mặt bởi đây mới chỉ là bắt đầu. Xuân Diệu đã phát huy cao độ khả năng cảm thụ với nhãn lực tinh tường. Thật ra là cảm thấy cái rét lẩn khuất trong gió nhưng thi nhân lại nói là “đã nghe”. Dường như giữa con người và thiên nhiên có một mối dây vô hình gắn bó và am hiểu. Đây là gió từ hồn thổi ra. Hình như, tác giả cố tìm bóng dáng cuộc sống của con người nhưng không có:
“Đã vắng người sang những chuyến đò…”
Con thuyền trong thơ Nguyễn Trãi đã buồn “Cô chu trấn nhật các sa miên” (Con thuyền gối đầu trên cát ngủ suốt ngày) nhưng ở đây, hình ảnh con thuyền còn buồn hơn vì nó lênh đênh trên sông nước, đợi chờ khắc khoải một bóng người nhưng “đã vắng”, không phải chỉ “vắng” trong hiện tại mà “đã”: từ trước đây.
Tất cả đều vắng vẻ. Đấy là sự cô đơn, chia lìa trên mặt đất, của người vì không đoàn tụ. Ở khổ cuối là sự chia lìa của thiên nhiên:
“Mây vẩn từng không chim bay đi
Khí trời u uất hận chia li”
Nhà thơ đã cảm thấy bước chuyển rất nhẹ của thiên nhiên: “mây vẩn”, có sự xuất hiện của sự sống: đàn chim nhưng là “chim bay đi”. Đò đã vắng, chim lại bay đi, để lại một khoảng trống không mênh mông, xa vắng. Nỗi buồn thương tràn sang cảnh vật và quay trở lại xoáy vào lòng người, da diết thấm thìa khôn cùng. Không chỉ riêng thiên nhiên nói lên cái u uất chia li mà chính lòng người cũng phải cất lên thành lời “Khí trời u uất hận chia li”. Nỗi đau xót, u uất dằn xuống.
Hai câu kết bài thơ đầy sức gợi
“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”
Con người đẹp nhất khi có niềm vui và nụ cười, còn ở dây, thiếu nữ “buồn không nói”, trầm ngâm suy tư. Câu thơ không xác định ở số lượng “ít nhiều”, ở hướng nhìn “nhìn xa”, “không nói”, “nghĩ ngợi gì”. Người thiếu nữ này cũng là một cảnh quan, nhưng là nét đẹp cao nhất của cảnh, biết cảm thụ, nghe được tất cả những cái vắng lặng từ những cảnh quan khác dồn tới mà buồn, chữ “hành khách” ở câu thơ của Nguyễn Trãi: “Dã kính quan lương hành khách thiểu” còn là người nói chung, nhắc đến nó để nói sự không có. Còn ở đây, hình ảnh thiếu nữ là cụ thể, là có thật, đang tồn tại. Trạng thái buồn không xác định lí do, tư thế nhìn cũng không xác định duyên cớ. Bài thơ khép lại ở một trạng thái, một tư thế.
Đây mùa thu tới có lúc sử dụng thi liệu ước lệ của thơ Đường nhưng kết thúc lại không giống thơ Đường, câu cuối của thơ Đường thường đóng lại, khép kín ý thơ từng bài. Nhưng ở đây, tác giả lại mở ra, khơi gợi ở người đọc một cảm hứng đồng sáng tạo. Nó để ngõ dành cho sự liên tưởng, cảm nhận của từng người đọc. Bài thơ kết thúc cũng là lúc ta bắt đầu cảm thấy được cái điều “ít nhiều thiếu nữ buồn không nói. Đó chính là tài năng của Xuân Diệu.
Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách diễn đạt truyền thống và mới mẽ do học tập văn hóa Phương Tây, với tâm hồn thi sĩ giàu cảm xúc và tài năng, Xuân Diệu đã góp phần cho Thơ mới nói riêng và nền văn học nói chung một tác phẩm có giá trị: Đây mùa thu tới. Bài thơ mang hồn thơ Xuân Diệu, hồn Việt Nam.
Đây là “tiếng thở dài của những tâm hồn cô đơn tội nghiệp đi tìm nhau”.
Có lẽ, tác giả muốn gởi gắm một lời khuyên mang ý nghĩa nhân bản: Những con người lẻ loi cô đơn hãy xích lại gần nhau để giải tỏa nỗi cô đơn này.
Đây mùa thu tới như một bức tranh lụa cổ hòa sắc lạnh. Hình ảnh mùa thu nên thơ, nên họa trong tác phẩm không phải không liên quan đến những cảnh quan mĩ lệ của đất Việt. Phải chăng hồn dân tộc của bài thơ không hỏi mà hiện ra ở điều đó? Xuân Diệu đã đem đến cho chúng ta một bức tranh thiên nhiên u buồn mà rất đỗi xinh đẹp, một tâm hồn chân thành và tha thiết, nỗi buồn trong sáng, nỗi cô đơn tràn ngập trong thơ ấy là nỗi buồn chung của cả một thế hệ thanh niên mất nước ngày đêm khao khát sự hòa nhập với cuộc đời.