Thơ Xuân Diệu là cả một bầu xuân, là cái bình chứa muôn hương của tuổi trẻ. Thi sĩ không ngớt chào mời giục giã mọi người hãy tận hưởng tuổi trẻ và tình yêu – “phần ngon nhất của cuộc đời”. Xuân Diệu đã từng bỏng môi, rát lưỡi, đau răng vì đã uống tham lam vào suối mặt trời, đã ăn hăm hở vào trái mùa xuân. Là con người yêu sống, ham sống, cho nên khi cảm nhận được sự trôi chảy không ngừng của thời gian, sự tàn lụi của cảnh vật (dù là mới chớm) nhà thơ hốt hoảng buồn sầu cũng là điều dễ hiểu. Đây mùa thu tới tiêu biểu cho tâm trạng ấy của ông.
Mùa thu là người bạn muôn đời của thi ca. Cái rét buốt tê tái của mùa đông qua đi để nàng xuân đến với bao nhiêu niềm vui và sự sống, có lẽ gây ấn tượng mạnh hơn trong lòng người, nhưng lại không gợi thi tử nhiếu như mùa thu, phải chăng vì thu dịu dàng, thu buồn hơn. Với những tâm hồn thi sĩ đa cảm, đa tình, niềm vui phơi phới đã dễ rung động, những nỗi buồn thì càng gợi cảm xúc nhiều hơn. Xuân Diệu cũng vậy. Thi sĩ đã để cho lòng mình, hồn mình rung lên những nhịp đập xốn xang khi mùa thu đến. Đây mùa thu tới phảng phất một nỗi buồn nhưng lại đẹp đến nao lòng.
Nhà thơ cảm nhận mùa thu tới trong vẻ đẹp của nỗi buồn:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
Mở đầu bài thơ là hình ảnh liễu – một hình ảnh quen thuộc trong Đường thi. Trước đó, Nguyễn Du đã từng có câu thơ rất hay về liễu: “Lơ thơ tơ liễu buông mành”. Mặc dù học tập hình ảnh ước lệ trong văn chương cổ, nhưng “liễu” của Xuân Diệu không có vẻ gì là vay mượn. Cảnh mang hồn của Xuân Diệu, hồn Việt Nam tuy quen mà lạ, tuy ước lệ mà lại rất cụ thể bởi cách liên tưởng sáng tạo và độc đáo: “đìu hiu đứng chịu tang”. Với nét bút mềm mại và khoáng đạt, nhà thơ đã vờn vẻ vào không gian dáng hình yểu điệu, lả lướt của những rặng liễu thả dài sóng tóc gội đầm đìa trong những cơn mưa lệ. Từ láy “đìu hiu” cùng với nghệ thuật láy âm “buồn buông”, “ngàn hàng”… đầy sức gợi. Câu thơ gợi cảm giác nhiều hơn là tả. Liễu buồn nhưng đẹp ảo não, thướt tha. Càng buồn, càng đẹp. Càng đẹp lại càng buồn. Cảnh thấm đậm tâm trạng khiến cho người đọc không khỏi vấn vương chút tơ lòng. Cái tài của tác giả là cảnh buồn nhưng không chết lặng mà có hồn.
Câu thơ thứ ba cất lên tiếng lòng thi sĩ: “Đây mùa thu tới – mùa thu tới”. Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của thi sĩ đã bắt kịp bức thông điệp của đất trời. Dường như giữa im lìm của vạn vật, chỉ một mình nhà thơ lắng nghe được bước chuyển rất nhẹ của thời gian. Câu thơ có giá trị như một lời thông báo, xác nhận sự hiện diện của thời gian. Trong một câu mà có tới hai lần “mùa thu tới”, thi sĩ như vội vàng, cuốn quýt thốt lên khi mùa thu vừa bước đến. Như đã chờ đợi từ lâu, Xuân Diệu mở rộng lòng mình để đón thu. Ông cảm nhận thêm một dáng vẻ của mùa thu:
“Với áo mơ phai dệt lá vàng”
Xuân Diệu đã khoát lên mùa thu một chiếc áo vàng sáng rạng rỡ, kiều diễm và sang trọng. Không gian như òa sáng bởi màu vàng mơ đầy gợi cảm. Mùa thu đẹp, thơ mộng, cảnh sáng nhưng buồn thì cũng buồn vô tận.
Bức tranh chớm thu có đường nét mềm mại của liễu, có màu sắc, có tình người. Hình ảnh liễu cùng với màu áo mơ phai mở đầu đã gây một ấn tượng ban đầu cho người đọc để đến khổ thứ hai, mùa thu được cảm nhận tinh tế và đầy cảm giác:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh,
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”.
Cảnh thu có hoa, có lá, có gió, trổ vào không gian những cành trơ trụi khẳng định trong rét mướt. Ân tượng lớn nhất trong khổ thơ là cách diễn đạt rất mới, rất tinh vi: “hơn một loài hoa”, “rũa màu xanh”… Tất cả đều ở độ mới chớm, mới bắt đầu. Hơn một loài hoa chứ không phải tất cả các loài hoa, trong vườn sắc đỏ mới “rũa” màu xanh, chứ không phải “rửa”, Ta có cảm giác màu đỏ đang lấn dần, lấn dần để cuối cùng tràn ngợp, khắc khoải một màu đỏ lụi tàn. Câu thơ gợi cảm giác, như có sự nhói buốt trong tâm hồn. Lẽ ra, vào thu ở ta, mùa vàng là màu hợp hơn nhưng ở đây, Xuân Diệu đã chọn màu đỏ để đối chọi với màu xanh đang bị lấn dần tạo ấn tượng trong lòng người.
Hai câu thơ sau mới thật là tuyệt bút, với sư quan sát tinh vi mang hồn Việt Nam. Sự thật chỉ có gió thổi làm cho lá rung rinh nhưng Xuân Diệu đã tưởng tượng làm cho gió cũng run rẩy vì rét. Bốn âm “r” đã phát huy tác dụng. Người đọc như run lên vì rét, sau lưng rung động vì hay. Như một nhà điêu khắc tài ba, Xuân Diệu đã trổ, đã khắc vào không gian những nhánh khô không còn sức sống, xương xẩu, gầy guộc, khắc khổ, mà không phải nhiều nhánh, chỉ có “đôi nhánh”, lại đặt trong cái rét đến buồn lòng, nên cành nhỏ nhoi, mỏng manh, càng buồn gấp bội. Câu thơ có bảy chữ thì có đến sáu chữ gây ấn tượng. Trong ca dao đã có không ít lần xuất hiện hình ảnh cành trúc, đến Nguyễn Khuyến đã tiến lên một bước: “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu:”, và đến đây, Xuân Diệu đã đẩy lên một mức. Có lẽ là cao nhất: “nhánh”, nghe đã thấy nhỏ nhoi chứ không nói gì đến một loạt các từ cùng nghĩa sau đó: “Khô gầy xương mỏng manh”. Câu thơ đầy chất tạo hình của Xuân Diệu đã mài nhọn các giác quan cho ta. Tất cả đều ở mức độ khởi sự, các thông tin đều mang tính vi lượng. Tác giả đã để lại trong lòng người đọc cảm giác tê buốt thấm thía đến từng thớ thịt, đã chạm vào chỗ da non của từng người. Đây là thời điểm giao mùa. Nếu như không có một tâm hồn tinh tế thì thi sĩ không thể cảm nhận được tinh vi đến vậy. Cảnh vật đang dần dần tàn lụi, thời gian không ngừng trôi chảy, nên một con ngưòi ham sống như Xuân Diệu làm sao không buồn. Có lẽ, do lòng yêu tuổi trẻ, do muốn ngăn sự già nua tàn tạ nên nhà thơ luôn luôn cảnh giác và báo động:...