Đăm Săn là một trong những tác phẩm sử thi tiêu biểu nhất của đồng bào Ê- đê Tây Nguyên và cùng là một trong những tác phẩm hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, bay bổng, lãng mạn của đồng bào Ê- đê Tây Nguyên thời cổ đại, tác phẩm là bông hoa rừng đẹp nhất, hào hùng nhất của thể loại sử thi anh hùng được lưu truyền đến ngày nay. Bước vào khám phá thế giới nghệ thuật của tác phẩm, người đọc sẽ được quay trở về với quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kì liên minh bộ tộc, được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng, cùng họ và bộ tộc của mình đấu tranh chống lại kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc. Trong cuộc hành trình trở về với quá khứ đó, có lẽ người để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc chính là Đăm Săn, một tù trưởng anh hùng, người chính binh dũng cảm. Là nhân vật trung tâm của tác phẩm, Đăm Săn được khắc hoạ với tất cả những gì là đẹp nhất của cả cộng đồng. Vẻ đẹp đó của chàng được các tác giả dân gian miêu tả trong toàn bộ tác phẩm nhưng rõ nét nhất là trong đoạn trích: “Chiến thắng Mtao Mxây”. Nằm ở giữa tác phẩm, kể về cuộc chiến đấu của Đăm Săn đánh Mtao Mxây cứu vợ trở về, bằng những biện pháp nghệ thuật đặc sắc thường thấy trong sử thi, đoạn trích đã dựng lên một bức chân dung khá trọn vẹn về người anh hùng sử thi Đăm Săn với sức mạnh, tài năng và vẻ đẹp phi thường dũng sĩ tiêu biểu chi tinh thần, ý chí của cả cộng đồng.
1, Nội dung
Tự thân đoạn trích được chia thành ba phần riêng biệt:
Phần 1: Từ đầu đến “bêu ngoài đường”: Trận chiến đấu giữa Đăm Săn với Mtao Mxây.
Phần 2: Tiếp theo tới...”rồi vào làng”: Đăm Săn thuyết phục và đưa dân làng của Mtao Mxây về theo mình.
Phần 3: Đoạn cuối: Lễ ăn mừng chiến thắng của bộ tộc Đăm Săn.
Ở phần thứ nhất, tác giả tập trung vào miêu tả trận đánh giữa ĐS và Mtao Mxây. Sở dĩ xảy ra cuộc chiến này là do Mtao Mxây (tù trưởng Sắt) đã cướp Hơ- Nhị - vợ của Đăm Săn. Đối với người Ê-Đê theo chế độ mẫu hệ, việc bị kẻ thù cướp mất vợ là một nỗi sỉ nhục của cả cộng đồng. “chiến thắng Mtao Mxây” là lần thứ hai Đăm Săn phải chiến đấu với kẻ thù để giành lại người vợ, vì danh dự của bản thân và bộ tộc, vì hạnh phúc gia đình cũng như của cả buôn làng và cũng là để chứng tỏ sự hùng mạnh của mình. Chàng phải đối mặt với kẻ thù hung bạo và cũng có sức mạnh phi thường không kém. Hàng loạt những hình ảnh so sánh trong đoạn trích cho thấy rõ sự tương phản giữa Đam Săn với kẻ thù, làm nổi bật lên sự hào hùng của chàng và sự thảm hại Mtao Mxây.
Vẻ đẹp của Đam Săn hiện rõ ngay từ khi chàng bước chân vào lãnh địa của Mtao Mxây. Nếu như Mtao Mxây đớn hèn lừa lúc Đăm Săn không có nhà đến bắt Hơ- Nhị và cướp phá buôn làng của chàng thì Đăm Săn hoàn toàn ngược lại. Chàng tiến đánh kẻ thù một cách quang minh chính đại với tư thế đường hoàng, sự dũng cảm và bản lĩnh vô song. Bước vào lãnh địa của Mtao Mxây, chàng dõng dạc, đường hoàng tới tận chân cầu thang nhà kẻ thù mà khiêu chiến: “Ơ diêng! Ta thách nhà ngươi xuống đây đọ đao với ta đấy”. Trước thái độ trêu ngươi trọc tức của Mtao Mxây, chàng đã thẳng thắn tuyên bố: “Ngươi không xuống ư? Ta sẽ lấy cái sàn hiên của nhà ngươi ... cho mà xem”. Lời nói đầy dũng mãnh đó của chàng làm cho Mtao Mxây hung bạo dù kiêu căng ngạo mạn cũng phải khiếp sợ dè chừng bước xuống chấp nhận lời thách đấu của Đăm Săn. Phát huy cao độ nghệ thuật so sánh phóng đại, tác giả dân gian đã khắc hoạ khá rõ nét ngoại hình của Mtao Mxây khi hắn bước từ trên nhà sàn xuống: “Hắn đóng một cáu khố sọc ... dày mút”; “khiên hắn...cầu vồng”, đó là chân dung của một con người hung hãn và dữ tợn như một vị thần ác.Nhưng đối lập với bề ngoài dũng mãnh đó, Mtao Mxây thực chất chỉ là một tên đê tiện, đớn hèn. Chưa giáp mặt với Đăm Săn mà hắn đã tỏ ra khiếp nhược: “hắn đi từ nhà trong ra nhà ngoài ... sương sớm.” Lời nói của hắn với chàng lộ ra sự hèn nhát “Ta sợ ngươi đâm ta khi ta đang đi lắm”. Đáp lại, Đăm Săn đã bộc lộ sự khinh bỉ kẻ thù bằng tinh thần thượng võ của mình: “Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi nhỉ? Ngươi xem...nữa là”.
Bước vào cuộc giao đấu, ở hiệp giao đấu thứ nhất, với tinh thần thượng võ, Đăm Săn nhường cho địch thủ quyền chủ động tấn công nhưng Mtao Mxây lại hèn nhát đùn đẩy, đến khi không thể thoái thác được nữa thì hắn buộc phải vung khiên múa tiến tới phía chàng. Mtao Mxây thể hiện rõ sự khoác lác khi tài nghệ của hắn được minh chứng bằng “tiếng khiên kêu ...”, sử dụng biện pháp nghệ thtuật so sánh đậm chất dân gian, tác giả đã cho ta thấy sự bất tài, kém cỏi của Mtao Mxây. Còn Đăn Săn, với bản lĩnh của người anh hùng chiến trận, khi Đăm Săn múa khiên chàng chỉ bình tĩnh đứng xem mà không hề nhúc nhích, chứng kiến tài nghệ kém cỏi của kẻ thù chàng tỏ rõ thái độ khinh thường chế nhạo và dập tắt nhuệ khí của hắn bằng sức mạnh phi thường trong màn múa khiên độc đáo. Sử dụng nghệ thuật so sánh tăng cấp với các ngữ so sánh liên tiếp, ngôn ngữ sử thi đã khoa trương sức mạnh ấy ngang sức mạnh tự nhiên: “ Đăm Săn rung khiên múa ...phía tây”. Trước sức mạnh phi phàm đó của Đăm Săn, Mtao Mxây hiện lên thật thảm hại, hắn sợ hãi vô cùng, “bước cao bước thấp chạy hết bãi đông sang bãi tây” và vung dao chém lại chàng nhưng chỉ trúng một cái chão cột trâu”.
Lúc này, Mtao Mxây đã đuối sức. Hắn cầu cứu Hơ- Nhị quăng một miếng trầu cho hắn, nhưng Hơ – Nhị đã không quăng miếng trầu đó cho hắn mà lại quăng nó cho Đăm Săn, nhận dược miếng trầu tình yêu từ tay vợ, sức mạnh của Đăm Săn tăng lên gấp bội, chàng lại vung khiên múa đánh đuổi kẻ thù: “chàng múa ... tung bay” Lần múa khiên thứ hai của chàng còn ghê gớm hơn bởi dồn chứa sức mạnh trừng phạt. Đăm Săn đã hoá thành những ngọn gió- bão – lốc. Bước chân, mũi giáo, chiếc khiên, cả thân hình lực lưỡng và khí thế bừng bừng, sôi sục của Đăm Săn đã làm xáo động núi rừng ... Chòi lán đổ, cây cối chết, núi rạn, đồi tranh tung gốc ... Cây giáo thần của Đăm Săn nhằm vào đùi, vào người Mtao Mxây mà phóng tới, mà đâm vào nhưng không thủng. Trận chiến đã lên đến đỉnh điểm khiến Đăm Săn thấm mệt. ...