Những chiếc điện thoại Android hiện nay đang trở nên cực kì phổ biến vì có nhiều tầm giác khác nhau, lại có kho ứng dụng cực kì phong phú nên đáp ứng được nhu cầu của mọi người.
Tuy nhiên, có một vấn đề người dùng các máy chạy hệ điều hành của Google hay gặp phải, đó là máy hao pin khá nhanh. Trong bài viết sau, mình sẽ tổng hợp một số thủ thuật thu thập được sau một thời gian sử dụng để giúp kéo dài thời gian dùng pin cho các thiết bị Android. Mời các bạn cùng tham gia chia sẻ kinh nghiệm sử dụng của các bạn ngay tại topic này để làm nội dung thêm phong phú.
Kiểm tra việc tiêu thụ pin của các thành phần trong máy
Mặc định, Android có tích hợp sẵn cho chúng ta một trình quản lí pin khá hữu ích và bạn có thể truy cập nó bằng cách vào phần Settings > Battery (với các máy Android 4.0 trở lên) hoặc Settings > About Phone > Battery use (với các máy Android 2.x). Tại đây, bạn sẽ thấy máy liệt kê hàng loạt ứng dụng cùng với một con số phần trăm biểu thị mức tiêu thụ năng lượng của app. Không chỉ dừng lại ở ứng dụng, mục Battery còn cung cấp thông tin cho chúng ta biết rằng hệ điều, màn hình, Wi-Fi tiêu hao bao nhiêu phần trăm pin, còn điện thoại khi đặt ở chế độ nghỉ thì sao, ở chế độ hoạt động thì sao. Bạn có thể xem đây là một “đài quan sát”, nơi bạn có thể theo dõi chặt chẽ toàn bộ hệ thống của mình.
Trong trường hợp bạn phát hiện ra một số ứng dụng tiêu hao pin nhiều quá, chúng ta có thể nhanh chóng tắt chúng đi bằng cách nhấn chọn app đó, nhấn nút Force Stop. Cũng trong màn hình mới mở ra, bạn sẽ được xem chi tiết về thời lượng phần mềm đã dùng đến tài nguyên máy, ví dụ như ứng dụng đã truy cập CPU trong bao lâu, GPS trong bao lâu, việc chạy nền kéo dài mấy phút, dung lượng dữ liệu gửi đi/nhận vào. Nếu cảm thấy không cần dùng đến phần mềm đó nữa vì nó gây hao pin nhiều, bạn có thể gỡ nó ra khỏi máy.
Bên cạnh đó, trình quản lí này còn cung cấp cho chúng ta một biểu đồ miêu tả sự thay đổi của dung lượng pin trong suốt quá trình sử dụng. Ví dụ, trong khoảng hai giờ đầu tiên bạn dùng máy để lướt web, chơi game thì đường thẳng sẽ sụt nhanh hơn là giai đoạn để máy ở chế độ nghỉ. Ngay phía bên dưới biểu đồ là một loạt thanh dài nói cho bạn biết rằng kết nối/hạng mục đó đã được kích hoạt trong bao lâu. Một số hãng như HTC có tùy biến biểu đồ này theo hướng trực quan hơn, cung cấp chi tiết giờ giấc nên sẽ thuận tiện hơn cho bạn khi cần theo dõi.
Chuyển đổi giữa 2G và 3G
Khi sử dụng Internet di động, chúng ta có hai tùy chọn: hoặc sử dụng 2G, hoặc sử dụng 3G. Lợi ích của 3G thì chắc hẳn các bạn đều biết, đó là tốc độ truy cập rất nhanh, vì vậy việc duyệt web, tải ứng dụng sẽ được hoàn thành trong thời gian ngắn hơn nhiều so với 2G (hay thường gọi là GPRS, EDGE). Tuy nhiên, nhược điểm của 3G đó là nó làm máy hao pin rất nhanh, đôi khi khiến thị bị nóng lên nữa. Chình vì thế, nếu bạn cần kéo dài thời gian sử dụng thiết bị Android, bạn hãy tắt 3G đi những khi không cần thiết, chỉ để máy chạy 2G mà thôi. Ví dụ, khi duyệt web hay tìm kiếm vị trí, tải bản đồ, chúng ta dùng 3G để có tốc độ tối ưu, khi không dùng nữa thì chuyển sang mạng 2G để phục vụ những tính năng nhẹ nhàng như check mail, cập nhật thông báo của Facebook. Như vậy thì thời lượng dùng pin của máy sẽ được kéo dài đáng kể.
Để thiết lập cho máy chỉ chạy 2G, trên thiết bị Android, các bạn truy cập vào mục Settings > More > Mobile Network, chọn tùy chọn “Use only 2G networks”, khi muốn sử dụng 3G thì bỏ dấu chọn này. Tuy nhiên, chúng ta phải qua quá nhiều bước mới truy cập được đến mục này, do đó mình đề nghị các bạn sử dụng một widget nhỏ mang tên 2G-3G OnOff. Sau khi tải về, bạn thực hiện thao tác thêm widget vào màn hình chính như bình thường. Mỗi lần cần chuyển đổi giữa hai loại kết nối, bạn nhấn vào biểu tượng của ứng dụng này, ngay lập tức màn hình có dòng “Use only 2G networks” sẽ xuất hiện. Nó sẽ giúp ta tiệt kiệm được rất nhiều thời gian so với việc phải tùy chỉnh thủ công.
Chọn lựa thiết bị dùng chip tối ưu hóa cho thời lượng pin
Ở phần các tiết kiệm pin bằng những thứ liên quan đến kết nối không dây, ngoài việc tinh chỉnh phần mềm, mình cũng xin chia sẻ một số điều nhỏ nho liên quan đến phần cứng. Hiện tại, Qualcomm là nhà sản xuất duy nhất tìm được cách tích hợp các thành phần thu phát sóng không dây như GPS/GLONASS, 3G/4G LTE lên thẳng trên SoC (tức là con chip dùng trong thiết bị di động, trong đó có chứa cả CPU). So với các máy chạy SoC NVIDIA Tegra 3/4 hay Samsung Exynos – vốn dùng các chip và module không dây nằm riêng biệt, giải pháp của Qualcomm giúp tối ưu thời lượng dùng pin tốt hơn. Tốc độ thu phát sóng, nhất là sóng di động 3G, cũng được tăng cường, tốc độ truy cập nhanh hơn. Do đó, khi bạn mua chiếc smartphone, tablet dùng SoC Qualcomm Snapdragon thì mức độ tiết kiệm và tốc độ sẽ nổi trội so với những dòng SoC từ các hãng khác, nhất là những ai thường xuyên phải dùng đến 3G.
Một số máy dùng SoC Qualcomm Snapdragon hiện nay có thể kể đến như LG Nexus 4, LG Optimus G, LG Optimus LTE II, HTC Butterfly, HTC Desire X, HTC Desire SV, HTC One SV, HTC One S, Sony Xperia T/TX, Xperia V, Xperia S/P/U, Motorola Droid RAZR HD/MAXX HD… Chuyện tiết kiệm pin bên trên cũng đúng cho cả các máy chạy Windows Phone 7 và 8, vốn đều đang sử dụng SoC Snapdragon S4 của Qualcomm, chẳng hạn như Nokia Lumia 920, Nokia Lumia 820, HTC Windows Phone 8X, HTC Windows Phone 8S, Samsung ATIV S…
Tinh chỉnh việc tự đồng bộ hóa dữ liệu
Việc tự động đồng bộ hóa dữ liệu cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến thời gian dùng pin của máy Android. Tự đồng bộ có nghĩa là phần mềm đó sẽ liên tục truy cập mạng để lấy thông tin về, như khi bạn push mail hay kiểm tra notification Facebook chẳng hạn. Nếu bạn cần sử dụng nhiều thì không có vấn đề, nhưng trong trường hợp bạn ít dùng thì đây quả thật là một việc rất phí phạm. Không chỉ khiến pin nhanh hết mà nó còn làm cho hệ thống chậm đi nếu máy của bạn có một cấu hình không mạnh lắm. Do đó, chúng ta hãy quản lí việc đồng bộ của thiết bị Android bằng cách truy cập vào từng ứng dụng cụ thể, kiếm trong phần cấu hình/settings/configuration để tùy chỉnh chúng. Sau đây mình sẽ hướng dẫn cho một số phần mềm tiêu biểu....