Như một hành động chọn lọc “…ta chỉ đưa người ấy” cuộc tiễn đưa bắt đầu đi vào chiều hoành tráng “một giã gia đình, một dửng dưng”. Tính cách thời đại xuất hiện. Con người ấy có dáng dấp Kinh Kha “Ai đồng chí trong đám người tiểu kỷ, Trên kinh thành lơ lửng một thanh gươm…” con người ấy mang phong thái chiến sĩ “Tráng sĩ một đi không trở về…”.
Cái chất lãng mạn hoành tráng này, về sau sẽ được tái diễn trong những vần thơ của Quang Dũng, Chính Hữu ở giai đoạn thơ thời đầu kháng chiến chống Pháp -1949:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Nhớ đếm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa…
(Ngày về – Chính Hữu)
Cao cả trác tuvệt như vậy mà ai lại dám bảo đó là những vần thơ “buồn rớt, mộng rớt… yêng hùng…” ai lại dám bắt “lột xác, nhận đường…”
Thâm Tâm đi bước thứ nhất, để cho Quang Dũng, Chính Hữu, đi bước thứ hai trong cảm hứng lãng mạn hoành tráng.
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Vì sao người buồn? Không phải vì cuộc ra đi bịn rịn. Người buồn vì nỗi những nhân cách ở tầm thông thường không thể hiểu người. Đó là những “một chị, hai chị cũng như sen, khuyên nốt em trai dòng lệ sót”
Nỗi buồn ấy hiện ra trong buổi chiều.
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Vì sao người buồn? Vì phải xa những tấm lòng trẻ thơ, xa những “em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc”. Nỗi buồn ấy lấy bối cảnh một ban mai rực rỡ (Trời chưa mùa thu tươi lắm thay) tương ứng hài hòa với ánh sáng tinh khôi trong mắt trẻ. Đó là thẩm mỹ của cái đẹp – buồn.
Người đi? Một dấu hỏi.
Ừ nhỉ, người đi thực!
Một trả lời trong cảm thán. Cũng có thể là một tự hỏi mình.
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Nhân vật bà mẹ đến đây mới thật sư xuất hiện. Trước, trong câu: Ba năm mẹ già cũng đừng mong, chỉ là một cách nói. Bi kịch của lòng mẹ là bi kịch của:
Lá vàng thì ở trên cây
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời
(Ca dao)
Chị thà coi như là hạt bụi
Đó là một câu tâm lý học. Các bà chị đã tự bằng lòng mình về việc thương em (Khuyên nốt em trai dòng lệ sót); bây giờ, lòng thành thanh thản.
Em thà coi như hơi rượu say
Thâm Tâm dành cho “em” cái ngôi kết thúc. Người tình của Dũng là nàng Loan (nhân vật của Nhất Linh), trong tiến đưa đã:
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Dưa tiễn anh ra chốn hải hồ
Thế Lữ
Người tình của chàng trai chí lớn này thì, trong ly biệt, hoài niệm một chất nồng say đã được hưởng… Câu thơ không tiếc nuối, chỉ là man mác. Nó ngân vang tạo ra dư âm chung của toàn bài…
Sau 1945, Thâm Tâm cùng với dân tộc, đi vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Và anh đã chết cái chết đẹp của người chiến sĩ.
Phải chăng, bằng chính cuộc đời mình, Thâm Tâm đã thực hiện hóa cái giấc mơ của nhân vật trữ tình trong thơ mình?