Nhóm nồi xôi gạo mới xẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm hồn tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - Bếp lửa”.
Trong cái hoà quyện tuyệt vời, người ta thấy cái nóng cái đượm của bếp lửa củi rơm cũng như cái nồng cái ấm áp của bếp lửa lòng người. “Bếp lửa” kì lạ, thiêng liêng ấy nhóm “khoai sắn ngọt bùi”, “nồi xôi gạo mới” cũng dành nhóm cả “niềm yêu thương”, “tâm tình tuổi thơ”. Thực là diệu kì. Tại sao nói đoạn thơ trên là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ, câu trả lời có lẽ nằm ở cái tình ấm lửa trong đó mà lúc nào cũng được ấp ủ.
“Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”.
Tình cảm của bà rõ ràng đã được tượng trưng hoá với “ngọn lửa”. Nếu nói “Bếp lửa” e chưa thật trúng, còn nói “ngọn lửa” thì người ta cảm thấy cái linh hồn, tình cảm đã nằm ngay ở đó. Ngọn lửa ấy phải chăng là tâm huyết, nhiệt huyết (chứa niềm tin dai dẳng) phải chăng là tình yêu (lòng bà luôn ủ sẵn). Từ “Bếp lửa” đến “ngọn lửa” có lẽ là hành trình từ cái đơn sơ giản dị đến những cái thiêng liêng cao cả, từ cái thực đến cái linh hồn. Một lần nữa hình ảnh “Bếp lửa” hay “ngọn lửa” đã tiếp tục tôn cao lên tấm lòng chân chất, tình thương giản dị sâu sắc mà đôn hậu của bà. Có thể chấp nhận được chăng khi ta hình dung “Bếp lửa” trong kí ức tuổi thơ của tác giả chính là hiện hữu của một tình yêu nồng nàn, đượm đà bà dành cho cháu ? Cái chính là bà lúc nào cũng ấp ủ một ngọn lửa vô hình song “dai dẳng”, “thiêng liêng” để lúc nào cũng vậy hễ nhắc tới “Bếp lửa” thì tác giả và người đọc luôn cảm thấy có bà trong đó.
Chẳng phải vô tình mà trong suốt bài thơ, hình ảnh “Bếp lửa” cứ ám ảnh tâm trí Bằng Việt như vậy. Không dưới mười lần tác giả nhắc tới hình ảnh đó và lần nào cũng kèm theo sự xuất hiện của bà. Tác giả đang làm cái công việc của người đi so sánh, thí dụ giá trị hai vẻ đẹp “Bếp lửa” và “người bà” chăng ?
Không hẳn như vậy ! Đọc kĩ lại ta thấy Bằng Việt đã làm một mĩ từ pháp có hiệu quả cao nhất: ẩn dụ. Hình ảnh bếp lửa là ẩn dụ của ngọn lửa nồng hậu nơi người bà, và tình cảm người bà chính là ẩn dụ ngọn lửa - một thứ tình yêu cao cả nhất. Ta đã biết “người bà” và “Bếp lửa” là hai giá trị chẳng thể nào tách rời trong hồi ức của tác giả thì lẽ nào tác giả lại đi làm công việc trái ngược nhau : phân tích hai hình ảnh để so sánh ? “Bếp lửa” tượng trưng cho cái đơn sơ, khiêm nhường. Đã bao giờ chúng ta nghĩ về bếp lửa nhà mình như thế này chưa : nó giản dị, đơn sơ (chỉ vài que củi, một ôm rơm, một cái kiềng là thành một bếp lửa). Nó cũng thật khép nép khi thu mình vào trong góc bếp chật chội. Nhưng bếp lửa cũng là một cái gì đó rất ấm áp nồng đượm (những ngày đông lạnh thấu da thấu thịt). Người bà cũng vậy : thật chân chất, mộc mạc, dân dã, quê kiểng song ẩn chứa tình yêu vô bờ, tha thiết, chan chứa. Qua con mắt nhà thơ, bếp lửa và bà bình dị, cao quí, thiêng liêng. Lấy hình ảnh của bếp lửa để nói về tình cảm của bà dành cho mình, thiết tưởng Bằng Việt phải nặng lòng với bà, với quê hương lắm.
Một đứa con xa quê hương, một đứa cháu xa bà luôn luôn thường trực trong nỗi nhớ về “Bếp lửa” - về tình yêu ấm nồng tưởng như cái lạnh cái cô đơn ở quê người cũng đôi chút vợi đi vậy. Nhưng nhớ về cái “Bếp lửa” phải chăng cũng đồng nghĩa với việc nhớ quê nhà, nhớ về bà đồng nghĩa với việc nhớ về tổ ấm gia đình với niềm vui sum họp.
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà. Niềm vui trăm ngã
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...”
Trong tình cảm của bà có tình cảm của đất nước, tác giả nhớ đến tình bà cũng là nhớ đến đất nước quê hương. Có người từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” Nói như vậy có nghĩa là tình cảm của bà trở nên lòng yêu Tổ quốc là một ẩn dụ của tình cảm của đất nước dành cho những người xa quê. Hành trình từ “Bếp lửa” đến “Bếp lửa” là hành trình của giọt nước hoà vào suối và đổ ra sông... Càng ngày càng thiêng liêng, cao cả. “Bếp lửa” là một dòng hồi tưởng “chờn vờn”, “nồng đượm”, rực sáng mãi không thôi trong lòng những người dù chỉ đến với nó một lần. Làm sao chúng ta sống lại tuổi ấu thơ cảm động bên người bà yêu dấu với tình thương bao la, sâu đậm ở một miền quê còn nhiều đau khổ. Một ngọn lửa mãnh liệt như vậy liệu có bao giờ vụt tắt được chăng ?
Nguồn: http://wapyeu.net/ (sưu tầm)